VAI TRÒ CỦA ĐỘ KIỀM TRONG NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG

(Sera test kit) Giống, thức ăn, thuốc, chất lượng nước, quy trình kỹ thuật nuôi, thời tiết… là những yếu tố mà mỗi người nuôi tôm hiện nay đều phải ý thức được tầm quan trọng của chúng trong việc góp phần tạo nên một vụ mùa thành công.

 

Trong đó, chất lượng nước luôn luôn là yếu tố được nhắc đến thường xuyên, bởi lẽ, một môi trường sống với chất lượng nước luôn được đảm bảo, không phát sinh khí độc, được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp đàn tôm phát triển nhanh và đạt kích thước lớn vào cuối vụ nuôi. Trong số các chỉ tiêu kiểm tra chất lượng nước, kiềm là một trong những thông số quan trọng từ lúc thả giống cho đến khi kết thúc vụ nuôi. Vậy kiềm quan trọng và đóng vai trò như thế nào trong ao nuôi tôm? Cách sử dụng kiềm như thế nào thật hiệu quả và phù hợp với từng thời điểm?

Độ kiềm

Độ kiềm thể hiện khả năng trung hòa acid của nước, nhờ đó giữ cho độ pH của nước được ổn định. Trong nước có nhiều chất có tính kiềm như muối Carbonate (CO32-), Bicarbonate (HCO3), Silicate, Phosphate, Ammonia, OHvà nhiều hợp chất hữu cơ khác (Boyd&Tucker 1992). Các bazơ chính trong ao nuôi thủy sản bao gồm CO32, HCO3 và OH.

Độ kiềm mà chúng ta đo đạc được khi sử dụng test kit đo độ kiềm hoặc phương pháp phân tích hóa học gọi là độ kiềm tổng số, được biểu diễn bằng hàm lượng CaCO3 (mg/L). Độ kiềm ban đầu cao hay thấp phụ thuộc vào chất đất, nguồn nước và khả năng bổ sung CO32-, HCO3 và OH dưới dạng vôi của người nuôi tôm.

Trong quá trình nuôi, độ kiềm phụ thuộc vào mức độ phát triển của tảo và các sinh vật khác có trong ao như ốc đinh hay nhuyễn thể hai mảnh vỏ, hoạt động lột xác của tôm, mức độ thay nước và hoạt động bổ sung CO32-, HCO3 và OH dưới dạng vôi của người nuôi tôm.

Độ kiềm là thông số rất quan trọng trong nuôi tôm thẻ chân trắng do có liên quan trực tiếp đến độ ổn định của pH nước và hoạt động lột xác của tôm. Độ kiềm càng lớn, pH của nước càng ổn định. Độ kiềm thấp của các vùng nước ngọt hoặc có độ mặn thấp ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lột xác và tỷ lệ sống của tôm nuôi. Theo Limsuwan (2005), độ kiềm trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng phải ở mức trên 80 mg CaCO3/l và cần được kiểm tra thường xuyên, ít nhất là 1 tuần/lần. Độ kiềm thường giảm vào mùa mưa do nước mưa có tính acid hoặc sau khi tôm lột xác hoặc trong ao có nhiều ốc đinh. Độ kiềm thấp làm ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, khiến cho tôm bị mềm vỏ, chậm lớn, có tỷ lệ sống thấp. Các ao nuôi có độ kiềm quá thấp (dưới 20 mg CaCO3/l) thường rất khó để gây màu nước. Để tăng độ kiềm trong ao nuôi tôm có thể dùng Dolomite, vôi tôi Ca(OH)2 hoặc NaHCO3 công nghiệp.

Bicarbonat là dạng chính của độ kiềm. Hàm lượng carbonat và hydroxit có thể cao khi tảo hoạt động mạnh hoặc trong một số loại nước nhất định hoặc trong nước thải.

Trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng, độ kiềm không được thấp hơn 80 mg/L CaCO3 để đảm bảo cho tôm tăng trưởng và tỷ lệ sống cao (Limsuwan, 2005). Khi độ kiềm thấp, pH sẽ biến động (Hình 1) và gây stress, giảm tăng trưởng và thậm chí gây chết tôm.

Hình 1: Giá trị pH dao động trong 24 giờ khi tổng độ kiềm cao và thấp (Wurts & Durborow, 1992). Chú thích: High alkalinity water: Độ kiềm trong nước cao; Low alkalinity water: Độ kiềm trong nước thấp; Early morning: Sáng sớm; Late afternoon: xế chiều.

Độ kiềm cao (200 – 300 mg CaCO3/l) kết hợp với pH lớn hơn 8,5 lại ngăn cản quá trình lột xác của tôm do lượng muối có trong môi trường nước ao quá lớn. Trong các ao nuôi tôm nếu tảo phát triển quá mức, chúng sẽ làm cân bằng carbonate trong nước dịch chuyển sang phía hình thành CO32-, khiến cho độ kiềm của nước tăng.

Một vụ nuôi thành công khi quy trình kỹ thuật nuôi đạt hiệu quả cao, thể hiện trong việc quản lý con giống, thức ăn và chất lượng nước, sẽ giúp đàn tôm khỏe mạnh, sạch bệnh và đạt kích thước lớn vào cuối vụ nuôi.

Độ kiềm cao

Khi quá trình quang hợp diễn ra mạnh trong ao do mật độ tảo cao, độ kiềm tăng lên rất nhanh ( pH > 9) do carbonat giải phóng từ bicarbonat:

2HCO3 + tảo = CO2 (quang hợp) + (CO3)2– + H2O

(CO3)2- + H2O = HCO3 + OH

Khi tổng độ kiềm cao (200-300 mg/L CaCO3) với giá trị pH > 8.5 sẽ ngăn cản quá trình lột xác của tôm diễn ra.

Giảm mật độ tảo bằng cách thay nước hay dùng hóa chất diệt tảo có thể làm giảm độ kiềm, tuy nhiên cách này không được khuyến cáo vì nó có thể làm giảm hàm lượng oxy hòa tan trong ao và dễ gây stress cho tôm.

Khi sử dụng canxi carbonat trong ao nuôi, có thể giúp độ kiềm được ổn định (không tăng), do nó là nguồn cung cấp ion canxi. Và khi nồng độ ion canxi tăng lên nó sẽ làm kết tủa carnonat và phospho vô cơ.

 

Độ kiềm thấp

Độ kiềm thấp có thể do nguồn nước có độ kiềm thấp hoặc có sự hiện diện của động vật thân mềm hai mảnh vỏ trong ao, chúng hấp thụ muối carbonat và lọc hết tảo làm thức ăn, kết quả là làm nước trong và có độ kiềm rất thấp.

Natri bicarbonat (NaHCO3) và vôi tôi Ca(OH)2 là những hóa chất được khuyến cáo để nâng cao độ kiềm trong ao. Mặc dù vôi tôi được sử dụng phổ biến, việc sử dụng cân bằng nguồn thức ăn cũng có thể làm tăng độ kiềm do tăng hàm lượng ion carbonat.

Độ kiềm và độ cứng

Khái niệm độ kiềm và độ cứng thường gây khó hiểu vì cả hai đều chỉ thị hàm lượng mg/L của carbonat. Tuy nhiên, độ kiềm đo tổng số các ion có tính bazơ như carbonat, bicarbonat, phosphat, hydroxit,…hiện diện trong nước; trong khi đó độ cứng thể hiện tổng nồng độ của các ion muối hóa trị 2 như canxi, magie, sắt,…Cả hai dạng ion canxi và Magie là nguồn biểu thị chính của độ cứng trong nước, nhưng canxi có vai trò quan trọng hơn vì nó liên quan đến quá trình lột xác của tôm. Độ cứng thích hợp trong nuôi tôm là khoảng 80-200 mg/L CaCO3.

Ảnh hưởng của độ kiềm lên năng suất sinh học sơ cấp trong ao

Độ kiềm ảnh hưởng gián tiếp lên năng suất sinh học sơ cấp trong ao. Khi độ kiềm thấp, một vài thành phần hóa học cần thiết cho sự phát triển của vi tảo sẽ bị thiếu. Ví dụ như, dạng phân bón gốc phospho sẽ không tan khi hàm lượng CaCO3 nhỏ hơn 20 mg/L. Trong trường hợp này, cần phải dùng vôi để nâng cao độ kiềm tổng số, góp phần làm gia tăng hàm lượng phospho cần thiết cho sự phát triển của tảo.

Kết luận

Trong nuôi tôm, độ kiềm là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất tôm nuôi. Kiểm tra độ kiềm hàng tuần là cần thiết trong quản lý ao nuôi tôm, tuy nhiên ở những ao nuôi có độ mặn thấp hoặc nguồn nước có độ kiềm thấp hoặc các động vật hai mảnh vỏ phát triển trong ao nuôi tôm, cần phải đo độ kiềm thường xuyên hơn để điều chỉnh hàm lượng cho phù hợp.
Điều quan trọng khác trong thực hành quản lý ao nuôi tôm là phải biết cách điều chỉnh khi độ kiềm tăng cao hay giảm thấp. Kiểm soát độ kiềm và các biện pháp hạn chế sự ảnh hưởng của nó đến sức khỏe của tôm nuôi là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất tôm nuôi.

Để kiểm tra độ độ kiềm ta nên dùng các bộ test đo kiềm Sera hoặc dùng phương pháp chuẩn độ hay thiết bị máy đo chỉ số kiềm.

(Theo: Thuysanvietnam, Testkit.vn)